Cả nhà “ăn bài chòi, ngủ bài chòi”
Ông Phước và vợ là bà Lê Thị Hoa (cùng SN 1968) đều sinh ra, lớn lên trên đảo Cù lao Xanh. Ông Phước “nhiễm” bài chòi từ mẹ ông, cũng như bà Hoa “thấm” bài chòi từ mẹ bà. Khi lớn lên, cả hai cùng tham gia vào đội văn nghệ xung kích của địa phương.

Vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước diễn xuất rất ăn ý. Tình yêu của họ nảy nở từ trong những đêm hát. Bài chòi như sợi tơ se duyên cho họ nên vợ thành chồng. Tình yêu và niềm đam mê đã giúp hai người không ngừng phấn đấu nỗ lực học hỏi tìm tòi để có được những câu hát mới cùng cách biểu diễn cuốn hút người chơi.
Năm 2011, TP.Quy Nhơn mở lớp tập huấn hô hát bài chòi, tổ chức hội đánh bài chòi dân gian. Như “gãi trúng chỗ ngứa”, từ xã đảo Nhơn Châu cách trở đò giang, vợ chồng ông Phước hăng hái tham gia tập huấn. Trở về từ lớp tập huấn này, với vốn liếng hiểu biết, cùng kho tàng câu hát bài chòi tích lũy bao năm, vợ chồng ông phối hợp với chính quyền địa phương thành lập đội bài chòi dân gian xã đảo Nhơn Châu do ông làm đội trưởng, tổ chức sinh hoạt cho người dân đảo vào mỗi dịp lễ, Tết…

Ông Phước trong một lần hô bài chòi. Bốn người con của vợ chồng ông Phước, lần lượt là Trần Huệ Thiện (SN 1990), Trần Quang Nhơn (SN 1992), Trần Linh Tâm (SN 1995), Trần Phương Linh (SN 1997) thừa hưởng niềm mộ điệu bài chòi từ bà, cha mẹ. Những năm tháng tuổi thơ “ăn bài chòi, ngủ bài chòi” và được cha mẹ truyền lửa, dìu dắt nên giờ đây họ đều là những năng khiếu bài chòi cổ triển vọng của tỉnh Bình Định.
“Bốn anh em tôi lớn lên cùng làn điệu bài chòi cổ, ở nhà thì nghe cha mẹ hát, về nội hay ngoại cũng lại nghe bài chòi. Bà ngoại mất cách đây một năm, còn bà nội thì giờ vẫn còn “ghiền” lắm. Bà nội thường tỉ tê với chúng tôi rằng, bài chòi là sản phẩm đặc sệt của dân Bình Định mình. Mình dân đảo càng nên giữ văn hóa của nước mình, đó cũng là một cách giữ nước”, anh Thiện cho biết.

Anh Thiện cùng mẹ sắm vai anh, chị hiệu hô bài chòi. Vượt sóng… hô bài chòi
Bây giờ, trong 4 người con của vợ chồng ông Phước, chỉ anh Thiện là ở lại Cù lao Xanh lập nghiệp với nghề giáo viên dạy nhạc Trường THCS Nhơn Châu, còn 3 người con sau hiện đang làm việc tại đất liền Quy Nhơn. Dù ở đâu, làm gì, các thành viên trong gia đình vẫn đam mê bài chòi như cái “nghiệp” đã vận vào mình.
Cứ vào cuối tuần, vợ chồng ông Phước cùng con trai đầu lại bỏ dở công việc nhà, theo những chuyến tàu vận chuyển lương thực cho người dân đảo vào đất liền hát bài chòi phục vụ bà con, phần thỏa thú hát bài chòi của mình.

Ông Phước hô bài chòi cùng một chị hiệu. “Bây giờ, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao TP.Quy Nhơn đã khôi phục lại hội hô bài chòi vào những đêm cuối tuần như trước, chúng tôi lại có thêm niềm vui. Ở ngay trung tâm thành phố nên các con của tôi cũng sắp xếp được thời gian tham gia biểu diễn phục vụ bà con”, ông Phước cho biết.
Những năm qua, gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước còn là địa chỉ tin cậy của nhiều công ty du lịch mỗi khi mời hát bài chòi phục vụ các đoàn khách đến tham quan xã đảo Nhơn Châu. “Nghe các thành viên trong gia đình ông Phước hát bài chòi, du khách ai cũng thích thú”, ông Bùi Châu Ân - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Xứ Nẫu cho biết.

Anh Thiện hô bài chòi cùng một chị hiệu trẻ. Ngoài ra, anh Thiện hiện đang là chủ nhiệm CLB Bài chòi Trường THCS Nhơn Châu. CLB thành lập vào tháng 4/2018, hiện có hơn 20 thành viên, các em đều có tố chất, có thể hô hát thuần thục. Minh chứng cho điều này là chỉ một tháng sau khi thành lập, CLB đã xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian các trường THCS TP.Quy Nhơn.
Nguồn: Thegioitiepthi.vn